Chuyển đến nội dung chính

Piercing Diet

 

Khi có vết thương có nên ăn kiêng?

Thông tin bổ sung (nói chung về vết thương trên cơ thể, lỗ xỏ cũng là 1 dạng vết thương)

Các tổn thương ít nhiều đều để lại sẹo lớn hay nhỏ, có khi là những sẹo bất thường sẹo lồi, lõm, sẹo quá phát, sẹo trắng, sẹo thâm... Sẹo lồi thường do cơ địa hoặc ảnh hưởng di truyền, tỷ lệ tái phát cao sau khi phẫu thuật loại bỏ. Một số trường hợp tuy không thuộc tạng sẹo lồi nhưng do không được mổ tốt hoặc bị sang chấn, nhiễm trùng... cũng dẫn đến sẹo lồi. Sẹo trắng làm mô da bị mất màu. Sẹo thâm là do phản ứng của tế bào sắc tố dưới ánh sáng mặt trời.

Khi bị tổn thương, bạn xử lý vết thương càng sớm bao nhiêu thì càng hạn chế được sẹo bấy nhiều. 

Trong dân gian lưu truyền rằng có một số món ăn cần kiêng trong quá trình hình thành sẹo, chẳng hạn món trứng có thể làm vết thương loang lổ như lang ben, thịt bò dễ gây co kéo da, hải sản, da gà hay gây ngứa.... Nhưng đó chỉ là sự lưu truyền trong dân gian, chưa có cơ sở khoa học để khẳng định điều đó. Tốt nhất, khi da thịt bị tổn thương, cần luôn giữ vết thương thông thoáng, khô ráo để chóng liền miệng.

 

ĂN NHIỀU ĐẠM GIÚP NHANH LÀNH VẾT THƯƠNG

Khi bị vết thương dù nhỏ hay to, ngoài việc chữa trị bằng thuốc thì chế độ dinh dưỡng cũng giúp vết thương mau lành và ít bị nhiễm trùng - bưng mủ.

Sự lành của một vết thương bao gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn có xuất huyết và viêm. Ở giai đoạn này vết thương dễ bị nhiễm trùng - bưng mủ; giai đoạn tạo mô hạt để làm đầy vết thương và tái tạo biểu bì để vết thương lành hoàn toàn. Vết thương lành nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như bản chất và mức độ tổn thương (nhỏ, nông) có thể không để lại sẹo hay bị bầm dập, dễ bị nhiễm trùng, bưng mủ và có thể để lại sẹo xấu. Một số yếu tố khác như thiếu đạm, vitamin, selen, kẽm hay người cao tuổi, bị bệnh đái tháo đường, đang điều trị bằng thuốc có corticoid, đang hóa trị ung thư...

Một số người cho rằng, khi có vết thương thì kiêng ăn tôm, cá biển, thịt bò, gà, rau muống... vì sợ vết thương bưng mủ, lồi thịt và ngứa. Thực ra, chỉ nên kiêng những thực phẩm khi nào ăn vào bị dị ứng (ngứa, nổi mề đay, sưng tay, chân, sưng mí mắt, khó thở, lên cơn hen...) vì dị ứng sẽ gây tăng hiện tượng viêm tại chỗ, làm tạo mủ nhiều hơn. Nếu không bị dị ứng thì vẫn có thể ăn các món này bình thường.

 

Để vết thương nhanh lành nên tuân thủ ăn đủ chất đạm, ăn các loại thực phẩm liên quan đến quá trình tạo máu và các vitamin B, A, E... Theo đó, chất đạm có nhiều trong thịt, cá, tép, trứng, lươn... các loại đậu, chất đạm là nguyên liệu chính để tạo các tế bào mới, các thành phần có liên quan đến quá trình lành vết thương.

Các thức ăn có liên quan đến quá trình tạo máu như sắt, axit folic, vitamin B12... có nhiều trong gan, thịt, huyết, trứng, sữa, rau xanh đậm vì máu sẽ mang protein, vitamin, khoáng chất và oxy đến nuôi dưỡng các mô bị tổn thương. Đồng thời, mang các tế bào bạch cầu, đại thực bào đến tiêu diệt các vi khuẩn xâm nhập vào vết thương, dọn dẹp các chất thải như xác vi trùng chết, xác các tế bào đã chết.

Còn các vitamin B, A, E, C... có vai trò quan trọng trong việc tạo mô mới và làm vết thương mau lành. Vitamin C giúp tăng sức đề kháng chống lại hiện tượng nhiễm trùng, mủ. Rau lá xanh đậm, đu đủ, thanh long, cam, giá đỗ... có chứa các vitamin này. Kẽm và selen cũng giúp vết thương nhanh lành, chống nhiễm khuẩn, có nhiều trong cá, thịt gia cầm, trứng, nghêu, sò, hàu...

Có thể xem da là một chiếc áo giáp mềm mại và vững chắc giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây hại từ môi trường. Khi lớp áo này bị tổn thương, cơ thể sẽ huy động hết khả năng để "vá" lại bằng những vết sẹo. Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh có thể giúp cơ thể thực hiện công việc này tốt hơn, nhanh hơn.

 

Các nguyên liệu để "khâu" lại những vết rách trên bộ áo da bao gồm:

- Protein: Đây là nguyên liệu chính để tạo tế bào mới, thành phần của mô hạt và các thành phần khác có liên quan đến sự lành vết thương như collagen, fibronectin. Ở người suy dinh dưỡng, người có bệnh lý làm giảm protein trong cơ thể (như hội chứng thận hư, các bệnh rối loạn chuyển hóa protein...), vết thương thường chậm lành sẹo hơn, có khi không lành được nếu tình trạng thiếu protein quá nặng.

Mỗi ngày, cần ăn khoảng 200 g các thức ăn cung cấp protein như thịt, cá, trứng, sữa, đậu, đỗ...

- Các chất có liên quan đến việc tạo máu (sắt, axit folic, vitamin B12, chất đạm): Máu là phương tiện mang những nguyên liệu cần thiết như protein, ôxy đến và đem chất thải ra khỏi khu vực vết thương. Các bạch cầu, đại thực bào trong máu giúp dọn dẹp các chất thải, xác tế bào chết. Vì vậy, để vết thương chóng lành sẹo, cần chú ý các thành phần dinh dưỡng có liên quan đến việc tạo máu; nhất là khi có vết thương phần mềm nghiêm trọng, gây mất máu nhiều.

Các thức ăn bổ máu bao gồm các loại huyết (lợn, bò, gà, vịt), thịt, gan, trứng, sữa...

- Các vitamin (nhất là các loại tan trong nước như vitamin nhóm B, C): Vitamin có vai trò tích cực trong việc hình thành tế bào mới và làm vết thương mau lành sẹo hơn, vì nó tạo nên các loại men thúc đẩy sự tổng hợp protein, tăng chuyển hóa dinh dưỡng ở tế bào. Loại vitamin có ảnh hưởng nhiều nhất đến sự lành vết thương là vitamin C. Chất này còn giúp tăng sức đề kháng của cơ thể, tăng chuyển hóa năng lượng của tế bào cũng như sự hấp thu, chuyển hóa chất sắt trong cơ thể. Nó cũng giúp chống nhiễm trùng vết thương. Để bổ sung vitamin, cần ăn nhiều rau quả tươi.

Như vậy, chế độ ăn tốt nhất trong thời gian vết thương đang lành sẹo vẫn là chế độ ăn thông thường, đa dạng, đủ năng lượng và đủ các nhóm chất dinh dưỡng.

 

Một số lưu ý khi vết thương đang lành sẹo:

- Tránh hút thuốc lá vì đây là nguyên nhân gây co các mạch máu ở ngoại vi, làm giảm sự tưới máu đến vết thương, giảm lượng ôxy đến mô.

- Đối với người cao tuổi, vết thương bao giờ cũng chậm lành sẹo hơn người trẻ do khả năng tiêu hóa, hấp thu thức ăn và khả năng tăng trưởng, tái tạo tế bào đều giảm. Nên sử dụng thêm một số thực phẩm giàu năng lượng để bồi bổ.

- Ở những người bị rối loạn đường huyết, tiểu đường, bệnh thận có tăng urê huyết, người đang sử dụng corticoide trị liệu, hóa trị, xạ trị ung thư..., các vết thương rất khó lành. Cần tham khảo ý kiến chuyên viên dinh dưỡng để có chế độ ăn phù hợp, giúp ổn định cơ thể để vết thương mau lành.

Các tổn thương ít nhiều đều để lại sẹo lớn hay nhỏ, có khi là những sẹo bất thường sẹo lồi, lõm, sẹo quá phát, sẹo trắng, sẹo thâm... Y học cũng cho biết, sẹo lồi thường do cơ địa hoặc do ảnh hưởng di truyền, sau khi phẫu thuật, tỉ lệ tái phát cao. Một số trường hợp tuy không thuộc tạng sẹo lồi nhưng do không được mổ tốt hoặc bị sang chấn, nhiễm trùng cũng bị sẹo lồi. Sẹo trắng làm mô da bị mất màu. Sẹo thâm là do phản ứng của tế bào sắc tố dưới ánh sáng mặt trời.

Khi bị tổn thương, bạn phải xử lý vết thương càng sớm bao nhiêu thì càng hạn chế được sẹo bấy nhiều. cũng không nên dùng rượu, bia. 

Khi vết thương đóng vảy, đặc biệt là lúc lên da non gây ngứa, không nên bóc vảy vết thương vì có thể gây nhiễm trùng và khiến sẹo lớn, lâu lành hơn.

 

cre: BMSV